Cô Dâu Thủy Thần
Cô Dâu Thủy Thần
Tác giả:Bạch Tử
Thể loại:Ngôn Tình
Ngài là một Thủy thần uy nghi cao quý, nắm quyền cai trị vùng sông hồ của bộ tộc Dương Tuyền thuộc Văn Lang Quốc, vì một kẻ xâm phạm vùng nước thiêng mà nổi trận lôi đình gây hạn hán khắc nghiệt làm sinh linh đồ thán.
Chàng là dược sư mang dòng máu thuần khiết băng thanh cải trang làm Tế nữ thay em gái song sinh của mình hiến tế cho Thủy thần, nguyện hy sinh tính mệnh mà bảo vệ những người mình yêu thương trân quý.
Trên cõi đời này không có thứ gì ngẫu nhiên hay tình cờ và sự gặp gỡ của ngài cùng chàng cũng là tất yếu. Đó chính là Thiên Mệnh.
***
Sau thời Hồng Hoang đến thời Viễn Cổ, Tam tầng tứ giới đã hình thành nhiều thần tộc, mạnh nhất trong số đó là Thanh Long, Bạch Hổ, Hồng Lạc, Kim Quy. Bốn thần tộc này tuy không hòa hợp lắm nhưng cũng chưa xảy ra hiềm khích lớn. Thế nhưng Quỷ Yêu tộc đã lợi dụng việc thần tiên chưa đồng thuận mà gây ra Loạn Thần Đại Chiến làm máu chảy thành sông, sinh linh đồ thán. Lúc này, cháu bốn đời của Viễn Cổ thần Thần Nông đức cao vọng trọng mang tên Lộc Tục là người duy nhất đủ tài trí hóa giải hiểu lầm, thống lĩnh chư thần phá tan âm mưu thống trị của Quỷ Yêu tộc, buộc chúng phải đời đời hòa hiếu. Tam tầng tứ giới được hưởng thái bình thịnh trị, đi vào chế định khuôn phép nghiêm cẩn.
Kỷ Hồng Bàng thị khai mở từ đây.
Lộc Tục lên ngôi Thần Vương, lấy hiệu Kinh Dương Vương, lập Xích Quỷ quốc ở Nhân giới. Ngài kết duyên cùng Long Nữ thuộc thần tộc Thanh Long, con gái của Bát Hải Long Vương. Tam tầng tứ giới bình yên vô sự qua mấy ngàn năm, Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con trai tên Sùng Lãm còn gọi Lạc Long Quân, rồi cùng Long Nữ chu du khắp nơi không màng chính sự, biệt tích từ đó. Sau khi Văn Lang lập quốc, hai vị được con cháu kính ngưỡng suy tôn là Thủy tổ phụ và Thủy tổ mẫu.
Sùng Lãm nối ngôi Thần Vương, lấy hiệu là Hùng Hiền Vương, thành hôn cùng Căn Kỷ hiệu Âu Cơ, thuộc thần tộc Hồng Lạc sinh ra bọc trứng nở ra trăm người con trai. Hai vị cùng trăm con giáng hạ Nhân giới thuận theo Thiên Mệnh. Năm mươi con cùng Âu Cơ lên non lập Văn Lang quốc, tôn người con trưởng lên ngôi Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu. Năm mươi con cùng Long Quân xuống biển lập Thủy Văn Lang. Xích Quỷ quốc phân định từ đó. Con cháu ngưỡng vọng tôn kính gọi hai vị là Tổ phụ và Tổ mẫu.
***
Tam tầng tứ giới
“Tam tầng tứ giới” nghĩa là “ba tầng bốn thế giới”, là một sự tưởng tượng dựa trên vũ trụ luận của người Mường. Như trong truyện thì “Tam tầng tứ giới” được hiểu như sau
-Tam tầng:
1. tầng Trời - 2. tầng Đất - 3. tầng Nước
-Tứ giới:
1. Thần tiên giới thuộc tầng Trời
2. Nhân giới/ Dương gian (người sống) vở tầng Đất
3. Âm giới/ Địa phủ (người chết) ở tầng Đất
4. Thủy giới/ Bát Hải ở tầng Nước.
Thực ra, vũ trụ luận của người Mường, theo sự tìm hiểu của giáo sư Từ Chi, là sự hỗn dung của hai kiểu loại vũ trụ luận khác nhau:
-Vũ trụ luận “ba tầng, bốn thế giới”: tầng trên Trời, tầng Giữa và tầng Dưới. Tầng Dưới lại được chia thành hai thế giới. Thế giới Dưới nước và thế giới Dưới đất.
-Vũ trụ luận “hai bên”: Người Mường quan niệm ở tầng người có hai bên: một bên là mường của người sống và một bên là mường của người chết (Mường Ma)
Ý kiến của một số nhà nghiên cứu thì trống đồng thể hiện mô hình vũ trụ theo quan niệm
-”Tầng trên”, tương ứng với phần mặt trống, gồm hai thế giới: Trời (“Mường blời”) tượng trưng bằng hình ảnh mặt trời tỏa các tia sáng và Ðất (“Mường tất”) tượng trưng bằng các cảnh nhà cửa, người, chim, thú…
-”Tầng giữa” tương ứng với phần tang trống là “thế giới nước” (“Mường nác”), tượng trưng bằng các hình thuyền, người chèo thuyền, cá, giao long, chim nước…
-”Tầng dưới”, tương ứng với phần thân trống, là “Cõi âm” (“Mường âm phủ”, ở đó, có hình tượng tổ tiên, với bộ trang phục hình chim – vật tổ)
.
Thần nông
*Trích từ Tìm về Bản sắc văn hóa Việt Nam của GS. VSKH Trần Ngọc Thêm*
Thực ra thì Thần Nông, cũng như một số nhân vật thần thoại khác liên quan đến nông nghiệp, đều vốn là cư dân bản địa phương Nam bị sát nhập vào Hoa tộc. Không phải ngẫu nhiên mà Thần Nông ( = ông tổ nghề nông) luôn được xem là vị thần cai quản phương Nam và còn tên khác là Viêm Đế ( = vua xứ nóng. Niên đại truyền thuyết của Thần Nông (3.320 – 3.080 ?? = thiên niên kỷ thứ IV trước công nguyên) tương ứng với giai đoạn người Đông Nam Á phát triển mạnh nghề nông ( thời đá mới). Như vậy, Thần Nông thực chất là tên gọi biểu trưng cho những thành tựu tập thể của cả một giai đoạn.
Truyền thuyết của người Mèo kể rằng “khi loài người đang lo tìm thức ăn lâu dài thì một ông già tóc bạc không biết từ đâu xuất hiện. Ông cụ cho nhiều giống hạt, bày cho cách gieo trồng. Từ đó mới có lúa để ăn và bong lanh để se chỉ dệt vải. Ông lại bày cho họ cách kiếm những cây thuốc để chữa bệnh. Lúc chia tay, ông cụ vẽ một cái hình vuông xuống đất, bảo loài người làm nhà theo cách đấy, đừng ở hang mà lạnh. Loài người nhớ ơn ông cụ, gọi ông là Thần Nông”. Truyền thuyết người Việt thì xem thần nông là ông tổ bốn đời của Kinh Dương Vương, năm đời của Lạc Long Quân và sáu đời của vua Hùng thứ nhất.
GS. Đinh Gia Khánh viết: “Việc coi Thần Nông là thủy tổ của các vua Hùng là một trong những dấu vết của việc người Việt kế thừa những thành tựu của cơ tầng văn hóa Nam-Á cổ xưa. Chắc rằng nhân ta từ xưa, trước khi tiếp thu ảnh hưởng của văn hóa Hán tộc, đã từng coi Thần Nông là vị thủy tổ của mình. Được coi như vị thần sáng nghiệp của nghề nông xứ nóng ấm thì Thần Nông rất dễ được những cư dân trồng lúa như người Lạc Việt tôn sùng nhiều hơn cả và cũng lại dễ được họ coi như vị thủy tổ của mình. Đó là điều có thể hiểu được. Hán tộc không hề coi Thần Nông là Thủy tổ mà chỉ coi đó như là một thiên đế quản lĩnh phương Nam”
Nếu để ý đến khía cạnh ngôn ngữ học còn thấy rằng tên gọi Thần Nông đã được đặt theo cú pháp xuôi phương Nam (danh từ định tố) nếu theo cú pháp tiếng Hán thì phải đặt ngược lại là “Nông Thần” Ảnh hưởng của văn háo phương Nam đối với phương Bắc vào thời đó mạnh đến nỗi ngay cả các ông vua có thực đầu tiên của Trung Hoa như Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đế Cốc, Đế Vũ cũng đều được đặt tên theo lối cú pháp xuôi của phương Nam (chứ không phải là Nghiêu Đế, Thuấn Đế, Cốc Đế…)
.
Bát Hải Long Vương
Theo truyền thuyết và một số tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam thì Bát Hải Long Vương, một số nơi gọi là Bạt Hải hay Bột Hải, chính là Long Vương cai quản Hồ Động Đình hay Vua Cha Bát Hải, gả con gái mình là Long Nữ, có một số sách viết là Thần Long, cho Kinh Dương Vương, tức Bát Hải Long Vương đầu tiên là ông ngoại của Lạc Long Quân. Trong truyện, Bát Hải Long Vương cai quản tám biển ở tầng Nước, tức Thủy giới. Chức Bát Hải Long Vương truyền nhiều đời theo phụ đạo.
Chương Tiền Truyện
Vương triều Hùng Vương thứ năm thuộc chi Tốn, bắt đầu bằng việc Hùng Hy Vương, húy là Bảo Lang lên ngôi trị vì toàn cõi Lạc Việt. Vương triều này kéo dài hơn hai trăm năm trải qua sáu đời Hùng Vương anh minh sáng suốt. Cư dân Văn Lang gồm mười lăm bộ tộc đều được hưởng thái bình thịnh vượng, ấm no hạnh phúc trên vùng đất mình sinh sống. Tuy nhiên, thiên tai dịch bệnh do thần linh tạo ra là những điều con người chưa thể định đoạt, chưa thể thấu hiểu.
Vào đời Hùng Vương thứ ba của vương triều Hùng Hy Vương, bộ tộc Thang Tuyền ở phía Tây Bắc Văn Lang đã hứng chịu một trận hạn hán lớn chưa từng thấy. Bầu trời Thang Tuyền trong xanh cao rộng không có một dải mây mờ suốt cả năm. Nắng như đổ lửa cùng ngọn gió Tây khô nóng thiêu cháy mọi cỏ cây hoa trái. Vùng hồ Tĩnh Dạ mênh mông như đại dương chỉ còn là những vũng nước đọng cạn đáy đầy lau sậy. Dòng Thu Lã cuồn cuộn sóng vỗ trở thành con rạch nhỏ bé ngập bùn sình. Đồng ruộng xơ xác những thân lúa chết khô ngả nghiêng theo gió. Con người bất lực nhìn cuộc sống mình đến bờ hủy diệt, nhìn người thân mình lần lượt về cõi U Linh.
Nhiều người đã bỏ làng bỏ tộc ra đi tìm kế sinh tồn.
Ban Tư Tế tộc Thang Tuyền nhiều lần lập đàn cầu xin thần linh thương xót nhưng đều vô hiệu. Cả một giọt sương nhỏ bé cũng tuyệt nhiên không rơi. “Thần linh đang thử thách sự trung thành của chúng ta”. Pháp sư của bộ tộc cũng là Đại Tư Tế vẫn thường nói như thế để động viên mọi người. Ông rất thông thái, uy tín và nhiều kinh nghiệm nên ai cũng kính trọng. Vẻ khắc khổ, từng trải hiện trên gương mặt già nua in hằn những nếp nhăn của thời gian. Ông thường ngồi trầm tư nhiều canh giờ trên thềm sau Thần Điện nằm ở trung tâm mường Hoa Mễ, thủ phủ Thang Tuyền. Ông ngồi trong đêm tối, không thắp đèn, không đốt bếp để nhìn rõ hơn ánh lửa le lói sắp lụi tàn của những ngôi nhà sàn trong mường.
Mọi người đang tuyệt vọng.
Một đêm khuya trăng mờ trời bất ngờ trở gió. Không khí khô nóng chợt lạnh lẽo khác thường. Màn sương trắng bạc lãng đãng phủ mờ Hoa Mễ, phủ lên người vị pháp sư lần đầu thiếp ngủ ngoài thềm. Trong cơn mộng mị canh tàn, ông gặp chàng thanh niên anh tuấn mang vẻ đẹp hư ảo như sương, khí chất cao quý, phong thái phi thường. Chiếc áo choàng trắng bạc của người ấy tung bay trong gió. Bộ trang phục sang trọng mấy lớp thổ cẩm với áo cọc tay và khố dài chấm gót thêu hoa văn kỷ hà màu bạch kim lấp lánh dưới trăng. Mái tóc dài đen huyền được buộc cao cài trâm bạc bồng bềnh giữa không trung như đám rong lả lướt theo dòng nước. Tiếng những vòng đồng, vòng bạc trên cổ tay, cổ chân khẽ va vào nhau leng keng nhè nhẹ theo từng bước chân lữ khách.
-Ngài là…
Vị pháp sư bàng hoàng nói không nên lời, cúi đầu quỳ sụp xuống.
-Ta cần một Tế Nữ vào ngày mai.
Giọng nói lạnh băng cất lên như vọng từ cõi xa xăm vô tận.
-Hồ Tĩnh Dạ vào lúc nửa đêm.
-…
-Đây là sự trừng phạt cho tội xâm phạm vào vùng nước thiêng.
Giọng nói vọng trong không gian nhưng hình dáng lữ khách đã hoàn toàn tan biến vào sương mờ. Pháp sư giật mình tỉnh giấc. Ông lau nhanh những giọt mồ hôi đang tuôn như suối trên trán. Tiếng gà gáy râm ran báo hiệu đêm đã tàn. Chân trời phía đông, ánh bình minh nhuộm hồng những đám mây trắng đầu tiên xuất hiện sau năm dài vắng bóng. Vị pháp sư nhanh chóng gọi người thông báo cho Tộc trưởng. Tiếng trống hiệu triệu cộng đồng hùng tráng vang lên. Cả bộ tộc xôn xao tập trung trước thần điện để nghe lời phán truyền của thần linh.
Tộc Thang Tuyền đã được cứu khỏi trận hạn hán.
.
.Hùng Vương
Hùng cách phiên âm tiếng Hán – Việt của Khun, một danh hiệu thủ lĩnh của các dân tộc Bách Việt; Vua Hùng âm cổ là Pò Khun ( = bố các thủ lĩnh) theo Trần Quốc Vượng. Người Thái Tây Bắc hiện nay vẫn còn gọi người đứng đầu mường lớn là Pò Khun; người Mường gọi là Lang Kun. Vua nước Thái Lan cổ địa Sukhotai cũng tự xưng là Pò Khun. GS. Phạm Huy Thông co là “Hùng” trong thói quen “xưng hung xưng bá” của các vua Sở chính là dấu vết truyền thống của ngôn ngữ cư dân Bách Việt. Tồn tại một cách giải thích khác của H.Maspero (được nhiều người đồng tình) là chữ “Hùng” là chữ “Lạc” chép nhầm mà thành do tự dạng chữ Hán của Lạc và Hùng gần giống nhau (dẫn của Đào Duy Anh)
.18 Chi Hùng Vương
Dựa trên giả thuyết sưu tầm thần tích, thư tịch, ngọc phả của Cụ Biệt Lam Trần Huy Bá được in trong tạp chí Nguồn Sáng số 23 trong dịp Lễ Hội Giỗ Tổ Hùng Vươg 1998. Thời Hùng vương từ Kinh Dương Vương đến Hùng Duệ Vương, kéo dài từ năm Nhâm Tuất (2879 TCN) đến năm Quý Mão (258 TCN), tức là 2622 năm. Tư liệu sưu tầm cho thấy không phải 18 đời Hùng Vương, mà là 18 chi Hùng Vương. Mỗi chi gồm nhiều đời vua, có cả năm Can Chi lúc sinh và lúc lên ngôi. Các đời vua trong một chi đều lấy hiệu của vua đầu chi ấy. Tên 18 chi được sắp xếp theo thứ tự tên 8 quẻ của Bát Quái là Càn – Khảm – Cấn – Chấn – Tốn – Ly – Khôn – Đoài rồi đến tên 10 can trong Thiên Can là Giáp – Ất – Bính – Đinh – Mậu – Kỷ – Canh – Tân – Nhâm.
.Văn LangTheo Đại Việt Sử ký Toàn thư thì Văn Lang có cương vực và 15 bộ (bộ tộc) với tên gọi các bộ: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức và Văn Lang là bộ nơi vua đóng đô.Đại Việt Sử Lược cũng chép rằng Văn Lang gồm 15 bộ, trong đó có 10 bộ giống tên như ĐVSKTT ghi trên đây (Giao Chỉ, Vũ Ninh, Việt Thường, Ninh Hải, Lục Hải, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Cửu Đức, Văn Lang) và 5 bộ lạc với tên khác (Quân Ninh, Gia Ninh, Thang Tuyền, Tân Xương, Nhật Nam).bộ Văn Lang: thuộc Phú Thọbộ Gia Ninh: thuộc Phú Thọbộ Tân Xương: thuộc Vĩnh Phúcbộ Giao Chỉ: tương đương miền Hà Nội ngày nay và miền hữu ngạn sông Hồngbộ Vũ Ninh: tương đương Bắc Ninh, Hải Dương ngày naybộ Ninh Hải: tương đương miền nam Khâm Châu-Quảng Tây (Trung Quốc)bộ Thang Tuyền: tương đương nam Ung Châu-Quảng Tây (Trung Quốc)bộ Lục Hải: tương đương Quảng Ninhbộ Cửu Chân: một phần Thanh Hóa ngày nay.bộ Quân Ninh: các huyên bắc Thanh Hóa và Ninh Bình.bộ Hoài Hoan: tương đương vùng bắc Nghệ An (tức Diễn Châu đời nhà Đường)bộ Cửu Đức: tương đương nam Nghệ An và bắc Hà Tĩnh (tức Hoan Châu đời nhà Đường)bộ Việt Thường: thuộc Hà Tĩnhbộ Nhật Nam: nam Hoành Sơn (Hà Tĩnh)bộ Bình Văn: không rõ.
… 1 …
.
Trong ngôi nhà sàn xinh xắn nằm giữa vườn thảo dược cây lá héo tàn cạnh dòng Thu Lã vang lên tiếng khóc khe khẽ. Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt hai người phụ nữ cùng vẻ mặt trầm uất của một chàng trai làm không khí nặng nề ngạt thở. Thời gian vô tình trôi lặng lẽ qua nỗi đau tiễn biệt của con người. Một lúc sau, chàng trai đứng dậy bước ra thềm nhà. Chàng nén tiếng thở dài, ánh mắt xa xăm vô định. Phía cuối trời, những cánh chim chao nghiêng lấp lánh chở nắng hoàng hôn bay về tổ ấm. Giọng nói chàng nhẹ nhàng cất lên.
-Mẹ… con sẽ đi thay Khiết Dược.
-Khiết Thảo… con nói gì vậy? Chuyện này không thể được. Đó là tội bất kính với thần linh… chúng ta…
Người phụ nữ có gương mặt phúc hậu ngỡ ngàng nhìn con trai mình. Giọng bà nghẹn ngào. Cô gái trẻ cũng bàng hoàng nhìn chàng.
-Con biết… nhưng không còn cách nào khác.
-…
-Chúng ta không thể nhờ người khác làm Tế Nữ thay Khiết Dược. Cha mẹ nào lại nỡ để con gái mình đi vào chỗ chết, hơn nữa ai lại dám hy sinh mạng sống của mình vì một người không thân thích chứ.
-…
-Còn nếu chúng ta nói sự thật rằng Khiết Dược đã mang thai với Hàn An thì nhất định cả hai sẽ bị xử tội chết cho dù gia đình chúng ta đã đính ước cho đôi trẻ. Hai em ấy chưa thành hôn, chưa được cả bộ tộc công nhận là phu thê.
Khiết Thảo nói rất bình tĩnh và kiên quyết.
-Chuyện này thế nào cũng phải có người hy sinh cho nên thà để con chết một mình còn hơn là Khiết Dược một xác hai mạng.
-…
-Thần linh vốn dĩ muốn trừng phạt bộ tộc nên mới gây ra hạn hán và bắt chúng ta tế người. Họ chỉ cần một cái chết, một linh hồn để hầu cận thì là nam hay nữ mà chẳng được.
Những lời thuyết phục của chàng cuối cùng cũng đạt hiệu quả. Chàng nhẹ mỉm cười. Chàng là một dược sư, cứu sống rất nhiều người nhưng cũng bất lực nhìn cái chết rất nhiều lần. Giờ đây chàng sẽ được chứng kiến cái chết của chính mình. Tuy nhiên, chàng ra đi trong thanh thản. Chết vì những người mình yêu thương cũng là một niềm hạnh phúc. Mẹ chàng, em gái chàng và Hàn An.
Đêm buông sương mờ. Bốn bề hiu quạnh. Gió thổi lạnh lùng.
Ánh lửa bập bùng trên bếp giữa ngôi nhà sàn soi những gương mặt trầm uất bi thương. Khiết Dược thẩn thờ ngồi nhìn mẹ đang tết tóc cho anh trai trước chiếc gương đồng. Lẽ ra người ngồi đấy phải là nàng. Những giọt nước mắt lại lăn dài trên gương mặt kiều diễm của cô gái trẻ. Vẻ đẹp hoa nhường nguyệt thẹn và tài năng dệt lụa múa hát hơn người của nàng đã mang lại tai họa cho gia đình. Nàng đẹp một cách thuần khiết và trong sáng với làn da trắng hồng mịn như nhung, sống mũi cao thẳng, đôi mắt đen huyền trong vắt như pha lê lấp lánh, suối tóc bóng mượt ánh màu nâu đồng buông xuống tận gối…
-Em đừng khóc nữa Khiết Dược à.
-Anh…
Nàng thổn thức, đôi vai run khe khẽ trong vòng tay dịu dàng của anh trai. Những giọt nước mắt ướt đẫm vai áo chàng.
-Sau lễ tế, Hàn An sẽ được mọi người thả ra. Cậu ấy không phạm tội gì cả, chỉ vì mọi người sợ cậu ấy dẫn em bỏ trốn nên mới giam lại thôi. Hai em và mẹ hãy đi thật xa khỏi nơi này. Đi ngay và không bao giờ được quay trở lại.
-…
-Em phải mạnh mẽ lên. Mẹ chỉ còn mình em là chỗ dựa thôi.
Chàng kéo gương mặt em gái hướng thẳng về phía mình. Từng chữ nhẹ nhàng cất lên đầy quyết đoán.
-Em phải sống hạnh phúc. Cả ba người phải sống hạnh phúc thì anh mới yên tâm ra đi.
-…
-…
-Em hứa.
Nàng nhìn thẳng vào mắt anh trai, nhìn thẳng vào gương mặt người giống y như mình, chỉ là đôi mắt sắc sảo và u buồn hơn, nụ cười lạnh lùng và thâm trầm hơn, gương mặt góc cạnh và nam tính hơn. Tuy nhiên nét thuần khiết và trong sáng, thanh nhã và cao quý của những người mang dòng máu dược sư không hề thay đổi. Chàng mỉm cười ấm áp, đưa tay lau những giọt nước mắt trên mặt nàng, vén những sợi tóc ướt nước bết trên trán nàng.
Tiếng trống đồng và dàn cồng chiêng theo đoàn người đón Tế Nữ vang lên xa xa báo hiệu giờ lên đường đã đến.
Chàng đứng dậy đẩy nàng vào trong phòng rồi trùm chiếc khăn che kín gương mặt và mái tóc. Mẹ chàng run run nắm lấy tay con trai. Hai người bước xuống những bậc thang, xuyên qua vườn thảo dược đến bên đoàn rước đang chờ ngoài cổng. Chàng siết nhẹ bàn tay mẹ trước khi lên kiệu. Vài người phụ nữ đỡ mẹ chàng vào nhà khi bà khụy ngã. Chiếc kiệu theo con đường sáng rực ánh lửa và tiếng trống đồng, tiếng cồng chiêng âm vang hùng tráng ra trung tâm Tĩnh Dạ. Gió thổi mạnh kéo theo những đám mây vây kín bầu trời. Vầng trăng và những vì tinh tú mất hút vào bóng tối mịt mù.
Hơi nước ẩm trong gió thốc đêm hè báo hiệu cơn mưa dông phía trước.
Đoàn người đưa Khiết Thảo ra đến tế đàn trên bờ hồ. Những lời khấn nguyện của Ban Tư Tế vang trong tiếng gió gào thét bốn bề. Mọi người thành kính quỳ xuống khi chàng được dẫn theo chiếc cầu gỗ ra con thuyền nhỏ đang chồng chềnh dữ dội trong sóng lớn. Tiếng trống đồng và cồng chiêng lại vang lên. Ánh đuốc sáng rực viền theo bờ hồ như đêm hội Tế Nguyệt Cúng Trăng Mùa Thu. Gió lồng lộng thổi tung váy áo và chiếc khăn choàng của Tế Nữ mang màu đỏ máu. Những vòng đồng, vòng bạc ánh màu lửa sáng rực trong bóng tối trên mặt nước thăm thẳm dậy sóng. Tiếng leng keng của trang sức va nhau ngày càng lớn. Gió thổi ngày càng mạnh.
Con thuyền nhỏ ra đến giữa hồ.
Những giọt mưa đầu tiên rơi xuống. Tiếng hò reo vọng khắp không gian. Những giọt mưa nặng hơn, rơi nhanh hơn. Cuối cùng, tiếng ầm ầm của dòng nước đổ từ trời cao cùng tiếng gió thét gào đã át mất âm thanh vui mừng của con người sau cơn hạn hán. Toàn cảnh hồ Tĩnh Dạ, toàn cảnh tộc Thang Tuyền bao phủ bởi làn nước trắng xóa.
Mọi thứ tan trong màn mưa lạnh.
Không ai khóc thương cho số phận người Tế Nữ. Nước mắt đang rơi chỉ là nỗi vui mừng cho cuộc sống hồi sinh.
Mưa… Mưa rơi…
Trời cao than khóc cho số phận bi ai.
Khiết Thảo nở nụ cười bình thản chìm vào làn nước đen thẳm của Tĩnh Dạ. Đáy hồ mềm mại đón lấy chàng đang rơi vào giấc ngủ vĩnh hằng.
… 2 …
.
Khiết Thảo nhíu mày gượng mở mắt khi luồng sáng mạnh chiếu thẳng vào mặt. Chàng chớp chớp mi, cố nhìn rõ mọi vật xung quanh. Căn phòng xa lạ với những tấm rèm lụa màu thanh thủy bay lượn theo gió. Những đồ vật trang trí bằng đồng bóng loáng và gốm sứ tráng men được chế tác khéo léo bày biện ngăn nắp khắp phòng. Không khí thoảng mùi trầm hương từ các vách gỗ. Ngọn lửa trên bếp lách tách reo vui. Chàng đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Một hồ sen bất tận trải rộng đến chân trời đập vào tầm mắt. Những đóa sen phơn phớt hồng, những chiếc lá xanh thẳm mượt mà đung đưa theo gió.
-Anh tỉnh rồi sao?
Tiếng nói nhẹ nhàng cất lên phía sau chàng. Khiết Thảo nhìn cô gái vừa đến với sự cẩn trọng trong ánh mắt. Cô mặc chiếc áo lam nhạt, váy dài cùng màu. Hoa văn kỷ hà thêu tròn quanh thân áo, thân váy rất tinh xảo. Mái tóc cô xõa dài cài trâm bạc đính lông vũ hồng thiên điểu. Cô đeo trang sức đồng lấp lánh ở cổ, tay và chân. Tiếng lục lạc ngân khe khẽ theo mỗi bước đi nhẹ nhàng.
-Tôi tên là Điệp Tuyên. Tôi là Tế Nữ cho Thủy thần hồ Tĩnh Dạ một trăm năm rồi.
Cô gái mỉm cười thân thiện nói.
-Anh đã ngủ suốt mười hai canh giờ. À… đây là trang phục cho anh. Bộ váy áo Tế Nữ không hợp với anh chút nào.
-…
-Sau khi anh thay trang phục tôi sẽ dẫn anh đến gặp Thủy Thần. Tôi nghĩ anh có vài điều cần phải giải thích với ngài.
-Cảm ơn cô.
Điệp Tuyên mỉm cười lui bước.
Khiết Thảo nhìn bộ trang phục khẽ buông một tiếng thở dài.
Chàng theo chân cô qua vô vàn dãy hành lang nối những ngôi nhà sàn trong thủy cung xây ngay cạnh hồ sen mênh mông bát ngát, cạnh rừng bạch mai bạc trắng một góc trời. Những mái ngói lưu ly xanh rêu cong vút hình thuyền chạm khắc long phụng được đỡ bởi những thân gỗ đen bóng vững chãi. Không gian lộng gió thoang thoảng hương sen thanh tao. Hai người đến ngôi nhà sàn trung tâm. Cô gái mỉm cười trấn an chàng.
-Anh đừng lo quá. Sẽ không sao đâu.
Chàng cúi đầu cảm ơn.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian